Công ty TNHH Minh Anh Decor kính chào Quý khách !

Ý nghĩa biểu tượng trong tranh Phong thuỷ

Ý nghĩa biểu tượng trong tranh Phong thuỷ

Ý nghĩa biểu tượng trong tranh Phong thuỷ

12/08/2021

Khi thưởng ngoạn một bức tranh phong thuỷ hay tranh thư pháp, ấn tượng ban đầu của đa số chúng ta hầu như ở phương diện hình thức, tức là đánh giá xem tranh vẽ có đẹp hay không. Nhưng nếu tự hỏi tại sao tranh có chủ đề như thế, hay tác giả muốn gởi gắm điều gì qua bức tranh ấy, có lẽ không ít người lúng túng tìm câu giải đáp.

Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu những bức tranh mang đậm nét truyền thống, dân gian, vùng văn hoá Đông Á để thấy ý nghĩa biểu tượng được gởi gắm trong đó. Ví dụ tranh có các chủ đề như: hoa điểu, rồng, ngựa, khỉ, cá, tùng hạc, sơn thuỷ, v.v...

Ý nghĩa biểu tượng trong tranh phong thuỷ

 

Đối với loại tranh này, cái chủ đề với ý nghĩa biểu tượng thì quan trọng hơn phong cách hay kỹ thuật thể hiện (thuật ngữ chuyên môn gọi là kỹ pháp 技法). Tác giả có thể dùng công bút 工笔 (tức lối vẽ tỉ mỉ, bất cứ vật gì cũng có đường viền thậm chí cọng cỏ hay chiếc lá, rồi tô màu lên); hoặc dùng ý bút 意笔 (tức là lối vẽ phóng khoáng, loại bỏ hoặc rất hạn chế đường viền, thậm chí một nét bút cũng thành lá lan hay cọng cỏ). Tác giả cũng có thể dùng màu sắc rực rỡ tươi thắm, hoặc màu sắc nhàn nhạt lạnh lẽo, thậm chí vẽ toàn mực đen (thuật ngữ gọi là mặc hoạ 墨畫). Dù sao mặc lòng, tất cả điều ấy cũng chỉ là những hình thức thể hiện đa dạng, mà mục đích chủ yếu là nhằm chuyển tải một ý nghĩa biểu tượng nào đó.

Ý nghía biểu tượng trong tranh phong thuỷ

Có hai điểm nổi bật của loại tranh này. Thứ nhất, trong cuộc sống người ta thường gán cho một sự vật nào đó một ý nghĩa biểu tượng. Thí dụ: trúc là quân tử, mai là giai nhân, cây tùng và chim hạc ngụ ý trường thọ (tùng hạc diên niên 松鶴延年), v.v... Hoạ sĩ chỉ việc thể hiện nó bằng kỹ pháp riêng của mình. Đặc điểm thứ hai là thông qua ngôn ngữ (nhất là từ ngữ đồng âm hay cận âm) người ta sẽ liên tưởng hình vẽ này đến một sự vật nào đó với ý nghĩa biểu tượng nhất định trong tâm thức chung của mọi người. Thí dụ bức tranh vẽ con cá. Chữ Hán ngư  (cá) đồng âm [yú] (âm Bắc Kinh) với chữ dư  (dư thừa, dư dật). Qua ý nghĩa biểu tượng này là niềm ao ước một cuộc sống dư dật, khá giả. Nếu vẽ 9 con cá, thì ước nguyện này càng mạnh mẽ. Chữ Hán cửu  (số 9) đồng âm [jiǔ] với chữ cửu (lâu dài, trường cửu). Cửu ngư 九魚 (9 con cá) phát âm [jiǔ yú] giống như cửu dư 久餘 (dư dật lâu dài), ngụ ý một ước mong được sống khá giả mãi. Điều này cũng giống như người Việt Nam sắp đặt dĩa trái cây chưng tết gồm mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài với ước nguyện khiêm tốn "cầu vừa đủ xài" trong tiết xuân sang; bởi vì người Việt ở Nam Bộ phát âm "dừa" giống như "vừa, "xoài" giống như "xài". Tất nhiên sự so sánh này chỉ nhắm vào khía cạnh ngôn ngữ, không xét tới hình thức thể hiện.

Trên đây là một số minh hoạ tiêu biểu. Tóm lại, ý nghĩa biểu tượng của loại tranh này cho thấy ba chủ ý của tác giả: 1- Gởi gấm ý chí; 2- Ước nguyện mọi tốt lành cho bản thân; 3-  Cầu chúc hạnh phúc cho người khác. Với chủ ý thứ ba, các bức tranh này thường được người ta làm quà tặng nhau vào những dịp mừng thọ, khai trương, hay những dịp đặc biệt như ngày đầu năm, mong muốn những lời chúc nguyện rồi sẽ như chồi non lộc mới nảy nở thành những đoá hoa rực rỡ tươi thắm trong tiết xuân sang.

Dựa vào những đặc điểm nêu trên, chúng ta sẽ tìm ra một số hình ảnh biểu tượng, để hiểu hơn về sự chuyển tải ý nghĩa trong tranh phong thuỷ.

 

Nguồn: (st)

viết bình luận của bạn